3 SAI LẦM CƠ BẢN KHI XÂY BẬC TAM CẤP

Xây bậc tam cấp
Khi hoàn thiện ngôi nhà mới, trong đó có bậc tam cấp là một trong những công đoạn cuối cùng và rất quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít ngôi nhà mắc phải những sai lầm rất cơ bản khi thiết kế và thi công hạng mục này.
Điều đó khiến cho quá trình sử dụng sau này sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là tốn thêm không ít tiền của để khắc phục. HẢI NAM STONE xin được chỉ ra 3 sai lầm cơ bản và phổ biến nhất mà các công trình thường mắc phải dưới đây:

KÍCH THƯỚC BẬC SAI TIÊU CHUẨN

Sai lầm đầu tiên và rất phổ biến mà các gia chủ thường mắc phải là làm những bậc tam cấp có kích thước sai với tiêu chuẩn, thậm chí đến mức “kỳ dị”. Chẳng hạn như nhà có 2 bậc, nhưng một bậc cao tới 30cm, trong khi bậc còn lại chỉ cao 10 cm. Hay mặt bậc quá nhỏ, chỉ 20cm hoặc quá rộng, tới 70cm.
Vậy kích thước bậc như thế nào thì đúng tiêu chuẩn và tại sao lại như vậy, hãy cùng tìm hiểu dưới đây:
– Chiều cao của mỗi bậc tiêu chuẩn là từ 15 – 18cm. Đây là chiều cao lý tưởng để việc bước lên xuống được thoải mái, không phải gắng sức và tránh các chấn thương, đau mỏi với hệ xương khớp. Ở một số công trình công cộng, đặc biệt như bệnh viện, nhà trẻ thì chiều cao của bậc tam cấp thường thấp hơn, khoảng 10 – 12cm để phù hợp với đối tượng sử dụng công trình.
– Chiều rộng của 1 bậc tam cấp tiêu chuẩn khoảng 25 đến 30cm. Vừa với bàn chân người và giúp khoảng cách giữa các bước không quá xa hoặc quá gần. Giúp việc bước lên xuống được an toàn và không bị mỏi.
– Chiều dài Bậc Tam Cấp phụ thuộc vào chiều dài của sảnh. Điều này phụ thuộc vào thực tế xây dựng và thiết kế của từng công trình. Chiều dài có thể tương đương với mặt tiền nhà hoặc chiều rộng của sảnh chính bước vào nhà. Đối với những thiết kế tiền sảnh rộng rãi, thì Bậc Tam Cấp cũng cần có chiều dài đủ để ôm trọn lấy không gian của sảnh. Tam cấp có thể được xây 1 mặt tiền, hoặc bao quanh 2 – 3 mặt của sảnh tùy theo thiết kế và yêu cầu kiến trúc của từng gia đình là khác nhau.
Như vây, dù diện tích, hình dạng hay địa thế của khu đất có thế nào, trước hết gia chủ cũng cần đảm bảo các tiêu chuẩn trên. Đừng vì cố tận dụng khoảnh đất thừa hay vì lý do nào khác mà phá vỡ các tiêu chuẩn kỹ thuật này.

TÔN NỀN QUÁ CAO SO VỚI CẦN THIẾT

Tại Việt Nam, do hạ tầng đường xá và hệ thống thoát nước còn nhiều bất cập, nên đa số gia chủ khi xây nhà đều tôn nền cao hơn mặt đường khá nhiều, để phòng khi mưa ngập hoặc vì những lý do mang tính tâm linh khác. Mặc dù vậy, có rất nhiều công trình được tôn nền cao hơn mức cần thiết mà đôi khi là vì những lý do rất “giời ơi đất hỡi”, theo kiểu “nhà mình phải cao hơn nhà thằng bên cạnh”.
Khi mà đa số các ngôi nhà ở đô thị đều có diện tích khá nhỏ, lại nằm trong ngõ (hẻm) chật chội, thì việc tôn nền cao trở nên rất bất lợi. Thứ nhất, chủ nhà sẽ phải hy sinh thêm diện tích vốn đã ít ỏi để làm bậc tam cấp, vì nền càng cao thì phải có càng nhiều bậc, khiến cho nhà đã nhỏ lại càng nhỏ hơn. Thứ hai, việc đưa xe máy lên xuống nền nhà trở nên rất khó khăn và tốn kém, vì phải làm dốc bê tông hoặc cầu sắt dài, rộng hơn để có thể lên xuống xe được an toàn.
Vì vậy, khi quyết định độ cao nền nhà, cần cân nhắc kỹ lưỡng hoàn cảnh và điều kiện cụ thể căn cứ vào 2 nguyên tắc. Một là, nền càng thấp càng tốt, đặc biệt với nhà nhỏ ở trong ngõ hẹp thì chỉ nên tôn cao so với mặt đường khoảng 15 – 18 cm, vừa đủ 1 bậc (nếu khu vực đó không bị ngập nước). Hai là, tổng độ cao nền phải chia hết được cho chiều cao của 1 bậc theo kích thước tiêu chuẩn đã nói ở trên. Ví dụ, tổng nền cao 30 – 36cm, tương ứng với 2 bậc tiêu chuẩn.
Ngoài ra, nên tính toán trước giải pháp để đưa xe vào nhà sao cho thuận tiện. Nếu diện tích mặt tiền đủ lớn, có thể dành chỗ riêng để làm dốc dắt xe bằng bê tông. Trường hợp mặt tiền nhỏ, có thể sử dụng cầu dắt xe bằng sắt hoặc hợp kim nhôm, với thiết kế gọn nhẹ; hoặc lắp đặt ray trượt và bản lề để có thể gấp gọn khi không dùng tới, giúp cho không gian đỡ chật hẹp . Cần chú ý rằng, chiều dài dốc phải tương ứng với độ cao nền nhà theo một tỷ lệ nhất định, sao cho độ dốc thoải khoảng 20 độ, đảm bảo an toàn khi cho xe lên xuống và không bị đụng gầm xe vào đỉnh dốc (cầu).

TRƠN TRƯỢT – KHÔNG ĐẢM BẢO AN TOÀN

Sử dụng đá tự nhiên hoặc đá nhân tạo để ốp bậc tam cấp đang là xu hướng phổ biến hiện nay không chỉ tại Việt Nam, mà cả trên thế giới. Lý do là bởi so với các loại vật liệu khác như gỗ, kim loại hoặc bê tông, thì đá có ưu điểm vượt trội là bền bỉ với thời gian và dễ làm đẹp cho công trình.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của đá là chúng tạo ra những bề mặt có độ trơn trượt rất cao, nhất là khi trời mưa hoặc bị ướt. Điều này hết sức nguy hiểm cho người sử dụng, đặc biệt là với những người lớn tuổi hoặc trẻ nhỏ. Đây là sai lầm phổ biến nhất của hầu hết các công trình tại Việt Nam, mà ngay cả các Toà nhà hay Trung tâm thương mại lớn cũng mắc phải.
Để khắc phục nhược điểm này, khi thi công bậc tam cấp bằng đá tự nhiên hoặc nhân tạo, cần xẻ các rãnh chống trơn ngay trên bề mặt đá tại vị trí 10cm tính từ mũi bậc; hoặc thêm một lớp chống trơn bằng các loại phụ kiện chuyên dụng, như: tấm ốp mũi bậc bằng kim loại, thảm cao su tạo ma sát, băng dính chống trượt …
Tóm lại, việc lường trước và tính toán sao cho hợp lý nhất khi thi công bậc tam cấp cho nhà mới xây là rất quan trọng, để đảm bảo quá trình sử dụng sau này được thuận tiện và an toàn nhất. Nếu xây nhà lần đầu, gia chủ nên tham khảo ý kiến của các kiến trúc sư nhiều kinh nghiệm để tránh mắc phải các sai lầm cơ bản trên.

Có thể bạn sẽ thích

All in one